Viêm khớp gối là gì? Viêm khớp gối có nguy hiểm không
Viêm khớp gối là căn bệnh gây đau nhức vùng gối, làm ảnh hưởng đến quá trình di chuyển cũng như sức khỏe chung của người bệnh. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển với nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn đang có hiện tượng đau nhức vùng gối và chưa biết bị bệnh gì, bài viết dưới đây có thể sẽ hữu ích đối với bạn. 🔵 Viêm khớp gối là gì? Các loại viêm khớp gối phổ biến Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, chúng ta hãy cùng nắm bắt chính xác về khái niệm của bệnh viêm khớp gối. 🔹 Viêm khớp gối là gì? Viêm khớp gối là gì? Viêm khớp gối là một trong những bệnh về xương khớp, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên đầu gối. Nguyên nhân chủ yếu do sụn khớp bị viêm nhiễm, phá hủy dẫn đến tình trạng sưng đỏ, đau đớn và khó vận động. Bệnh lý này thường xuất hiện ở người có độ tuổi trung niên đến cao tuổi. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, bệnh đang có dấu hiệu dần trẻ hóa, nhiều người trẻ tuổi cũng có thể gặp phải. Bệnh viêm khớp gối thường tiến triển theo 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có mức độ đau khác nhau: Giai đoạn sớm: Đầu gối có xương gai nhỏ, làm tổn thương sụn. Giai đoạn nhẹ: Lớp sụn có dấu hiệu bị ăn mòn, sụn mỏng dần nhưng người bệnh lúc này cũng chưa thể phát hiện và phân biệt được rõ các triệu chứng của bệnh. Giai đoạn phát triển: Đầu xương bắt đầu bị nhỏ lại do sụn khớp bị ăn mòn nhiều. Hiện tượng sưng đỏ, cảm nhận rõ được cơn đau khi đi lại, di chuyển thường xuyên. Giai đoạn bệnh nặng: Các đầu xương có thể chạm vào nhau do lớp sụn đang mỏng dần và mất đi. Dịch bôi trơn ít hơn nên gây tiếng kêu lục cục khi vận động. Trong một số trường hợp, đầu gối cũng có thể bị biến dạng. Bệnh viêm khớp gối có thể đau ở một hoặc cả hai bên gối 🔹 Các loại viêm khớp gối điển hình Theo các chuyên gia, bệnh viêm khớp gối có thể được chia thành các loại chính dưới đây tùy thuộc theo nguyên nhân và triệu chứng của bệnh: Viêm khớp gối tràn dịch: Đây là tình trạng lượng dịch ở khớp gối bị gia tăng bất thường sau các chấn thương hoặc một vài nguyên nhân khác. Viêm khớp gối tràn dịch gây nhiều khó khăn trong việc vận động khớp gối. Thoái hóa khớp: Sụn khớp vùng gối bị thoái hóa dẫn tới khả năng bao cản của sụn khớp bị hạn chế. Các xương cọ xát vào nhau nhiều hơn, dẫn tới hiện tượng sưng viêm. Viêm khớp dạng thấp: Vùng xương đầu gối cũng có thể bị viêm khớp dạng thấp, thường xuất phát do những tổn thương ở hệ miễn dịch hoạt động sai. Các màng hoạt dịch bao bọc quanh khớp gối thường bị sưng, tiêu xương và gây cảm giác đau nhức, nóng rát. Viêm khớp kinh niên do chấn thương: Các chấn thương gây rách sụn hoặc chấn thương dây chằng thường dẫn đến viêm khớp kinh niên. Ở vùng gối, khi các sụn khớp bị hỏng và ăn mòn nhiều, các đầu xương sẽ tiến sát lại với nhau và gây ra cảm giác đau. Dù bị bệnh viêm khớp gối ở loại nào đều sẽ trải qua giai đoạn cấp và mãn tính. Thường khi phát hiện bệnh sớm sẽ giúp cho việc điều trị bệnh dễ dàng hơn và ngăn chặn tối đa trường hợp các biến chứng xuất hiện. 🔵 Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp gối Viêm khớp gối có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một vài những nguyên nhân phổ biến, thường gặp nhất: Chấn thương: Các tai nạn có thể khiến cho sụn khớp bị rách, xương nứt hoặc đứt dây chằng. Đây là yếu tố nguy cơ khiến cho khớp gối có thể bị viêm và tổn thương nặng nếu không can thiệp sớm. Lão hóa xương khớp: Thông thường, nguyên nhân này xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi. Tuổi càng cao, sụn khớp và dịch khớp càng dễ bị thoái hóa, không đảm bảo được các hoạt động bằng khớp gối. Thừa cân, béo phì: Những người nặng cân, ít vận động thường bị áp lực lên hệ cơ xương khớp, điều này khiến sụn khớp dễ bị gặp tổn thương, sưng viêm. Yếu tố di truyền: Trong nhiều trường hợp, một số đột biến di truyền có thể dẫn đến bệnh viêm khớp gối ở người. Những đột biến có thể làm ảnh hưởng đến hình dạng xương bao quanh khớp gối bất thường. Giới tính: Theo thống kê, bệnh viêm khớp gối có tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ ngoài 50 tuổi. Rối loạn tự miễn: Đây là nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở gối, hình thành do các kháng thể trong hệ miễn dịch bị rối loạn tấn công. Nhiễm khuẩn: Người bệnh bị nhiễm trùng cấp tính ở các cơ quan khác có liên quan đến vùng khớp gối. Tác dụng phụ của thuốc: Nếu người bệnh sử dụng các loại thuốc đặc trị bệnh tiểu đường, tim mạch nhiều cũng có thể khiến cho sụn khớp bị tổn thương, gây đau. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm khớp gối Ngoài ra, các nguyên nhân khác như thiếu hụt dinh dưỡng, lạm dụng chất kích thích, lao động quá sức và sai tư thế,... cũng là những yếu tố tác động đến khớp gối, gây sưng viêm. 🔵 Dấu hiệu viêm khớp gối là gì? Viêm khớp đầu gối có thể có nhiều biểu hiện triệu chứng khác nhau, ở mỗi người bệnh cũng có thể xuất hiện những triệu chứng không giống nhau. Do đó, bạn cần xác định và nắm được những dấu hiệu điển hình dưới đây: Đau nhức vùng đầu gối: Cơn đau ban đầu khi bệnh mới khởi phát thường âm ỉ, chỉ có một số ít trường hợp bị đau đột ngột. Sau dần, cơn đau càng rõ rệt hơn vào buổi sáng, khi ngủ dậy. Nặng hơn có thể bị đau trong đêm, khó khăn trong việc đi lại, ngồi hoặc quỳ. Khó khăn khi duỗi hoặc co đầu gối: Các gân nói cơ bị căng giãn hoặc hình thành gai xương khiến cho người bệnh khó khăn trong việc duỗi thẳng hoặc gập, co đầu gối. Sưng đỏ và yếu sức: Khớp gối khi bị viêm thường có hiện tượng sưng đỏ, chất lỏng tích tụ lại làm cho phần khớp viêm sưng phồng. Cảm giác căng, ấm xảy ra thường xuyên. Khi các hormone gây viêm hoạt động mạnh, sờ vào vùng đầu gối có cảm giác mềm. Nếu bệnh nặng hơn, có thể cảm thấy yếu sức ở chân và khó đứng vững. Khớp gối bị cứng: Đây là triệu chứng điển hình mà hầu hết bệnh nhân nào cũng gặp phải. Tình trạng cứng khớp gối khi bị bệnh viêm khớp gối thường xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài không vận động. Nếu bị cứng, người bệnh có thể xoa bóp một lúc có thể sẽ đỡ hơn và di chuyển tốt hơn. Chân dưới bị tê: Khi bị viêm khớp gối, nếu người bệnh đứng lên ngồi xuống nhiều cũng có thể bị tê do mạch máu lưu thông kém, chân bị teo, tê yếu. Xuất hiện âm thanh lạo xạo khi co đầu gối: Khi viêm tổn thương quá mức, sụn khớp bị ảnh hưởng, thô ráp hơn nên mỗi khi co đầu gối có thể xuất hiện những âm thanh lạo xạo. Đau khớp gối khi thời tiết thay đổi: Các hiện tượng trời bất chợt mưa, trở lạnh,... cũng có thể khiến tình trạng viêm khớp gối trở nên nặng hơn, cơn đau rõ rệt hơn. Biến dạng khớp gối: Vùng gối bị viêm sau thời gian dài có thể bị biến dạng, hóp sâu vào bên trong. Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy bạn đang bị bệnh viêm khớp gối Việc xác định được viêm khớp gối là gì và dấu hiệu viêm khớp gối giúp người bệnh nhanh chóng phát hiện được bệnh. Nhận biết càng sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 🔵 Bệnh viêm khớp gối thường gặp ở đối tượng nào? Thực tế, bệnh viêm khớp gối có thể có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở độ tuổi nào. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ, dưới đây là một số đối tượng có tỷ lệ cao mắc viêm khớp gối: Người lớn tuổi, thường từ 55 tuổi trở lên. Người làm công việc chân tay, đứng lâu, mang vác đồ nặng hoặc đi quá nhiều. Những người bị thừa cân, béo phì, ít vận động. Người có tiền sử người trong gia đình bị viêm khớp gối. Những người thường xuyên bị stress. Khi căng thẳng kéo dài sẽ ép cơ thể phải sản sinh hóa chất gây căng thẳng thần kinh, phân hủy hệ thống miễn dịch. Từ đó, tăng nguy cơ bị viêm khớp, đau khớp. Những người gặp những chấn thương ở gối như vỡ xương, vỡ sụn khớp, trật khớp xương bánh chè,... Nếu bạn có nằm trong những đối tượng nêu trên hay không, cũng tuyệt đối không được chủ quan. Đây chỉ là những đối tượng điển hình, có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối cao hơn. Ngoài ra, những người khác vẫn hoàn toàn bị bệnh này bởi những nguyên nhân khác nhau bất cứ lúc nào. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe và cảnh giác với bệnh là điều rất cần thiết. 🔵 Viêm khớp gối có nguy hiểm không? Có chữa được không? Có thể nói, viêm khớp gối rất nguy hiểm mặc dù căn bệnh này không gây tử vong. Thay vào đó, bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động của người bệnh. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp gối do không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời đã bị tàn phế, bại liệt suốt đời. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm của bệnh: Cứng khớp gối Hệ thống dây chằng bị suy giảm chức năng Teo cơ Biến dạng khớp Mất khả năng đi lại. Viêm khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm Thực tế, cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ giải pháp nào có thể điều trị được dứt điểm hoàn toàn căn bệnh viêm khớp gối. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị phục hồi và giảm triệu chứng bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, có thể kể đến như: Điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hoặc thuốc Đông y cũng cho tác dụng giảm đau hiệu quả. Điều trị tại nhà: Áp dụng các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp, massage,... Phẫu thuật: Hiện nay có nhiều cách phẫu thuật viêm khớp gối như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở giúp tái tạo lại khớp gối, hạn chế cơn đau về lâu về dài. Trên đây là toàn bộ những thông tin về viêm khớp gối mà chúng tôi muốn thông tin tới quý vị bạn đọc. Nếu bạn đang có biểu hiện đau nhức vùng gối, không thể loại trừ khả năng bị bệnh viêm khớp gối. Hãy tạo thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh (nếu có).