Điều gì gây đau gáy bên phải hoặc trái? Có nguy hiểm không?
Đau cổ vai gáy là một trong những triệu chứng rất thường gặp và ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần trải qua các cơn đau vai gáy. Thế nhưng nếu bạn chỉ bị đau gáy bên phải hoặc đau gáy bên trái thì sao? Điều gì có thể gây ra hiện tượng đau gáy một bên này?
Tổng quát
Gáy cổ là bộ phận phải thực hiện rất nhiều chuyển động trong ngày và không được bảo vệ bởi các bộ phận khác trên cơ thể, vì thế nó rất dễ bị chấn thương, dẫn đến tình trạng đau gáy bên trái hoặc đau gáy bên phải.
Bất kì một cấu trúc nào ở cổ bị tổn thương đều có thể gây ra tình trạng đau một bên sau gáy. Từ vấn đề đơn giản như bị căng cơ, viêm đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như tổn thương thần kinh hay chấn thương cột sống cổ.
Ngoài ra, do cổ nối với các bộ phận khác của cơ thể, nên ngoài đau ở khu vực gáy, cơn đau cũng có thể lan ra vai, cánh tay, lưng hoặc đầu.
Điều gì gây đau gáy bên phải hoặc trái?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau gáy một bên. Nhưng về cơ bản, các nguyên nhân gây đau gáy một bên trái, phải đều giống nhau.
Đau gáy bên trái
Nguyên nhân thường gặp:
- Căng cơ cổ bên trái
- Chứng vẹo cổ
- Whiplash (chấn thương do giật cổ)
- Căng thẳng
Nguyên nhân ít gặp:
- Thoái hóa đốt sống cổ
- Viêm khớp dạng thấp
- Gãy cổ
- Gặp các vấn đề về đĩa đệm ở cổ (thoát vị đĩa đệm, xẹp đĩa đệm,...)
- Loãng xương
- Viêm màng não
- Đau xơ cơ
- Hẹp ống sống
- Nhồi máu cơ tim
- Nhiễm trùng
Nguyên nhân hiếm gặp:
- Bệnh Paget
- U tủy sống
- Có các bất thường bẩm sinh
Đau gáy bên phải
Nguyên nhân thường gặp:
- Căng cơ do một số hoạt động lạm dụng hoặc sai tư thế
- Chứng vẹo cổ
- Whiplash (chấn thương do giật cổ)
- Căng thẳng, lo lắng
Nguyên nhân ít gặp hơn:
- Ung thư
- Viêm khớp dạng thấp
- Thoái hóa khớp cổ
- Thoát vị đĩa đệm cổ
- Xẹp đĩa đệm cổ
- Nhiễm trùng
- Gãy cổ
- Loãng xương
- Viêm màng não
- Đau xơ cơ
- Hẹp ống sống
- Nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân hiếm gặp:
- Bệnh Paget xương
- U tủy sống
- Có các bất thường bẩm sinh
- Chấn thương nghiêm trọng
Lưu ý: Trên đây không phải là toàn bộ các nguyên nhân có thể gây ra đau gáy bên phải hoặc bên trái. Chúng tôi chỉ nêu ra một số nguyên nhân thường gặp và tiêu biểu nhất.
Phần tiếp theo, chúng ta cùng đi tìm hiểu sâu hơn về các nguyên nhân này và mức độ nguy hiểm của nó.
Tìm hiểu sâu hơn các nguyên nhân - Mức độ nguy hiểm
Các nguyên nhân ít nguy hiểm
– Căng cơ. Đau cổ một bên (trái hoặc phải) thường là kết quả của sự căng cơ hoặc do lạm dụng cơ ở vùng này dẫn tới cơ bị rách. Chúng ta có thể bị căng cơ cổ do:
- Tư thế ngủ không tốt;
- Ngồi làm việc trong tư thế còng lưng hoặc đầu chúi về phía trước trong thời gian dài;
- Nghiêng đầu kẹp điện thoại giữa vai và tai;
- Tập thể dục quá mức;
- Mang vác các vật nặng không đúng cách;
- Không khởi động trước khi tập thể dục;
- .v.v.
Căng cơ cổ thường là nguyên nhân ít nguy hiểm, bạn có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, cơn đau sẽ phục hồi hoàn toàn sau 2 đến 8 tuần.
– Chứng vẹo cổ. Hay còn gọi là Torticollis, Wryneck. Đây là một tình trạng y tế khiến cổ bị cong, vẹo, nghiêng sang một bên (trái hoặc phải). Khiến người bệnh gặp khó khăn khi duỗi thẳng hoặc cử động cổ, đau đầu, đau một bên sau gáy, có vấn đề về thị lực, cân bằng, đi lại khó khăn,...
Đối với vẹo cổ nhẹ, cơn đau có thể tự hết trong khoảng 1 tới 3 ngày. Đối với chứng vẹo cổ bẩm sinh ở trẻ em hoặc vẹo cổ cấp, việc điều trị cần tiến hành sớm bởi nếu để lâu, tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nó có thể gây ra nhiều đau đớn, khiến cột sống bị vẹo. Đặc biệt là gây mất thẩm mỹ về tư thế, làm cho người bệnh kém tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
– Whiplash (chấn thương do giật cổ). Thuật ngữ "whiplash" được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1928. Đây là hiện tượng đầu đột ngột di chuyển về phía trước rồi giật mạnh lại đằng sau. Nguyên nhân thường là do tai nạn xe hơi, tai nạn thể thao hoặc do các loại chấn thương khác, chẳng hạn như ngã.
Hầu hết những người bị chấn thương do giật cổ sẽ phục hồi trong vòng vài ngày tới vài tuần nếu tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị. Tuy nhiên cũng có những người phải mất tới vài tháng. Điều quan trọng là tình trạng này phải được chẩn đoán nhanh chóng và chính xác để loại trừ gãy xương cổ hoặc những tổn thương khác có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
– Căng thẳng, lo lắng. Khi bạn trải qua sự lo lắng hoặc căng thẳng, các cơ bắp của bạn có thể bị co thắt và bó chặt vào vùng cổ vai của bạn, khiến bạn cảm thấy đau đớn.
Các nguyên nhân nguy hiểm
– Do các bệnh lý xương khớp. Một số bệnh lý xương khớp có thể dẫn tới đau gáy bên phải hoặc bên trái là:
- Thoái hóa đốt sống cổ
- Viêm khớp dạng thấp
- Loãng xương
- Gặp các vấn đề về đĩa đệm ở cổ (thoát vị đĩa đệm, xẹp đĩa đệm, vỡ địa đệm...)
- .v.v.
Nhìn chung, bệnh lý xương khớp là các bệnh lý tiến triển theo thời gian. Nếu bệnh nhân không kịp thời phát hiện và điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng tới cuộc sống, như:
- Tác động tới hoạt động hằng ngày: can thiệp vào việc di chuyển cổ, cứng cổ, làm cổ mất đi sự linh hoạt, giảm phạm vi hoạt động,...
- Ảnh hưởng lâu dài: gây dị tật, biến dạng cột sống, suy thoái hoặc đứt gân và dây chằng, chết xương, dây thần kinh bị chèn ép gây nhiều đau đớn, làm khớp bị lỏng lẻo,...
– Gãy cổ. Gãy cổ là tình trạng một trong 7 đốt xương sống ở cổ bị nứt, vỡ. Nó xảy ra khi có một lực rất mạnh tác động vào vùng cổ gáy, như do tai nạn giao thông, va chạm mạnh trong khi chơi thể thao,.v.v. Khi bị gãy xương cổ, nó có thể gây ra đau dữ dội vùng gáy hoặc một bên gáy, sưng, bầm tím, giảm cảm giác ở cánh tay hoặc chân, yếu cơ, tê liệt tay chân...
Do tủy sống chạy qua lõi các đốt sống cổ, giúp kết nối hệ thần kinh trung ương của não bộ và toàn cơ thể. Vì thế, gãy cổ có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, như: gây tổn thương tủy sống, gây tê liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn toàn bộ cơ thể từ cổ trở xuống, nghiêm trọng hơn nữa bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức.
– Viêm màng não. Viêm màng não là tình trạng viêm màng bao quanh não và tủy sống. Nguyên nhân của viêm màng não là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc một số nguyên nhân khác, như: ung thư, dị ứng thuốc, kích ứng hóa học,...
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm màng não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: động kinh, điếc, mù, phù não, hôn mê, tê liệt tay chân. Đặc biệt, viêm màng não do vi khuẩn là một tình trạng vô cùng nghiêm trọng và có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ.
Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, hầu hết bệnh nhân có thể hồi phục trở lại. Nhưng sau điều trị vẫn có thể để lại một số khuyết tật vĩnh viễn, như: tổn thương não, giảm thính lực,...
Viêm màng não là bệnh có thể ngăn ngừa được bằng việc thực hiện tiêm vắc-xin.
– Đau xơ cơ hóa. Hay còn gọi là Fibromyalgia syndrome - FMS. Đây là một tình trạng đau mãn tính nhiều bộ phận trên cơ thể, như: gáy, vai, tay chân, lưng,... Nhưng bệnh nhân không hề có tổn thương thực thể nào tại cơ, xương, khớp.
Đau cơ xơ hóa là một bệnh diễn ra suốt đời và không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh không gây tử vong nhưng những cơn đau mỏi có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, và tăng nguy cơ tự tử, chấn thương.
– Hẹp đốt sống cổ. Đây là tình trạng các đốt sống cổ bị thu hẹp lại, gây ra sự chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ dây thần kinh. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi, do sự thoái hóa gây ra.
Triệu chứng của bệnh thường là: đau ở một bên hoặc toàn bộ vùng gáy cổ; tê hoặc ngứa ran ở tay, cánh tay, chân; yếu cơ tay, chân;...
Nếu hẹp đốt sống cổ không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển và có thể gây ra các thương tổn thần kinh đáng kể, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị teo cơ, liệt cơ.
– Nhiễm trùng cột sống cổ. Nhiễm trùng cột sống cổ mặc dù rất hiếm xảy ra nhưng nó lại cực kì nguy hiểm và có thể tàn phá cột sống gây ra sự một ổn định cột sống, tổn thương thần kinh, liệt, hay thậm chí là tử vong nếu không được điều trị đúng cách.
Đau gáy một bên, đau cổ là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhiễm trùng cột sống cổ. Bệnh nhân thường có những cơn đau không nguôi, đau về đêm, đau không thuyên giảm bằng cách nghỉ ngơi hoặc các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cũng thường bị cứng cổ và giảm phạm vi chuyển động. Kèm theo đó là yếu hoặc tê nếu nhiễm trùng tiến triển và gây chèn ép, kích thích thần kinh...
– Nhồi máu cơ tim. Đau một bên gáy cổ cũng cũng thể là triệu chứng của một cơn nhồi máu cơ tim. Kèm theo đó là một số triệu chứng đáng chú ý khác, như: đau ở hàm, cánh tay hoặc lưng, khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh.
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cực kì nguy hiểm, bởi nó có thể gây rối loạn nhịp tim, vỡ thành tự do tâm thất, thủng vách liên thất, tắc mạch gây tai biến, vỡ tim và thậm chí là đột tử.
– Bệnh Paget xương. Đây là một bệnh xảy ra do rối loạn bất thường ở cấu trúc xương. Ở điều kiện bình thường, các tế bào xương mới sẽ dần thay thế các tế bào xương mới để hình thành và xây dựng cấu trúc xương. Khi bệnh paget xương xảy ra, nó khiến khả năng thay thế này bị ngăn cảm, làm các tế bào xương mới không kịp thời thay thế các tế bào xương cũ, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy.
Bệnh paget xương có thể diễn ra ở bất cứ phần xương nào, nhất là vùng xương cổ, xương hộp sọ, xương chậu, xương cột sống và xương chân.
Bệnh paget xương là một căn bệnh nguy hiểm, mặc dù nó tiến triển chậm. Biến chứng có thể xảy ra là: gãy xương, thoái hóa khớp, suy tim, ung thư xương,...
– U tủy sống. Đây là một căn bệnh hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Bệnh xảy ra khi có các khố u phát triển bên trong tủy sống, thường là vùng tủy cổ. Các khối u này chèn ép vào tủy sống làm người bị bị đau bên trái hoặc phải vùng cổ có khối u, gây tê bì, yếu, liệt chi, đại tiểu tiện không tự chủ,...
– Có các bất thường bẩm sinh. Một loạt các vấn đề bất thường bẩm sinh cũng có thể gây ra đau gáy bên trái hoặc bên phải, như:
- Vẹo cổ bẩm sinh
- Khuyết tật đốt sống bẩm sinh
– Ung thư. Đau gáy bên phải hoặc trái kéo dài cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thu cổ. Tuy nhiên, kèm theo đó thường gồm nhiều các triệu chứng khác, như: có khối sưng, có vết loét khó lành, nhức đầu thường xuyên, tê ở vùng đầu cổ, sưng nề ở cằm, hàm,...
Nên làm gì nếu bị đau gáy bên trái hoặc bên phải?
Với nguyên nhân ít nguy hiểm
Đối với tình trạng đau gáy bên trái hoặc phải do sai tư thế, căng cơ, căng thẳng, cơn đau từ nhẹ đến trung bình, bạn không cần quá lo lắng. Bởi nó sẽ lành sau vài ngày tới vài tuần.
Để việc phục hồi diễn ra nhanh hơn cũng như để hạn chế tái phát đau một bên gáy, bạn có thể thử:
- Sử dụng nhiệt nóng hoặc lạnh để chườm lên vùng gáy bị đau;
- Di chuyển cổ nhẹ nhàng sang hai bên và cúi - ngửa cổ;
- Nhờ ai đó xoa bóp cổ;
- Giảm căng thẳng với các phương pháp thư giãn như yoga hoặc thiền
- Sửa đổi tư thế xấu để có thể ngồi làm việc, ngủ và đứng đúng tư thế;
- Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm không kê đơn, như: Paracetamol, Aspirin, Ibuprofen, Naproxen, cao dán Salonpas, Salonsip,…
- Tiếp tục hoạt động thể chất;
- .v.v.
Với nguyên nhân nguy hiểm
Nhìn chung, với các nguyên nhân này bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ là:
- Cơn đau gáy bên phải hoặc đau gáy bên trái kéo dài hơn một tuần và không đáp ứng với một số biện pháp chăm sóc tại nhà;
- Cơn đau nghiêm trọng kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác, như: tê yếu tay chân, mờ mắt, không thể chuyển động cổ, đau đầu,...
Các dấu hiệu cho thấy bạn nên cấp cứu ngay lập tức:
- Cơn đau xảy ra sau tai nạn giao thông, va chạm thể thao mạnh, ngã;
- Sốt cao.
Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành đặt một số câu hỏi, kiểm tra thể chất và tìm hiểu lịch sử y tế của bạn và giai đình. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán tình trạng, như:
- MRI
- Chụp cắt lớp
- Chụp CT
- Xét nghiệm điện di huyết sắc tố
- Chụp X-quang
- Xét nghiệm máu
- .v.v.
Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bệnh và tình hình sức khỏe chung của bạn. Phương pháp điều trị đau gáy bên phải, đau gáy bên trái do bác sĩ chỉ định có thể bao gồm một số phương pháp sau đây.
– Sử dụng thuốc:
- Các loại thuốc uống giảm đau, chống viêm theo toa: celecoxib (Celebrex), fenoprofen (Nalfon), indomethacin (Indocin), axit mefenamic (Ponstel), codeine, tramadol, oxycodone, morphine, prednison, betamethasone...
- Các loại thuốc tại chỗ: diclofenac (Voltaren), ketoprofen (Orudis), kem bôi Capsaicin, gel Cotilam,...
- Các loại thuốc tiêm: flurbiprofen (Ocufen), axit hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu, steroid,...
- Thuốc giãn cơ: carisoprodol (Soma), cyclobenzaprin (Amrix, Fexmid, FlexePax Kit, FusePaq Tabradol), dantrolene (Dantrium), tizanidine (Comfort Pac),...
- Thuốc chống trầm cảm: Amitriptyline (Amitril, Elavil), Imipramine Tofranil), Citalopram (Celexa), Escitalopram Lexapro), Venlafaxine (Effexor),...
- Thuốc chống động kinh: Carbamazepine, Oxcarbazepine, Gabapentin, Tiagabine,...
- Thuốc loãng xương (bisphosphonates): alendronate (Fosamax), ibandronate (Boniva), pamidronate (Aredia)
- Thuốc tiêu sợi huyết
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu
- Thuốc chống đông
- Thuốc ức chế men chuyển hay chẹn beta giao cảm
- Các loại thuốc kháng sinh
- .v.v.
– Vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu là liệu pháp giúp bạn bảo tồn, tăng cường hoặc phục hồi chuyển động, chức năng thể chất bị suy yếu bởi bệnh tật, chấn thương. Liệu pháp này sẽ bao gồm nhiều phương thức khác nhau, như:
- Phương thức vật lý (xoa bóp, điện trị liệu, song âm)
- Hướng dẫn các bài tập
- Giáo dục và đào tạo bệnh nhân
Số buổi vật lý trị liệu của bạn sẽ theo chỉ định của bác sĩ vật lý trị liệu.
– Phẫu thuật. Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định cho đau một bên gáy, nhưng nếu cơn đau do các nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm, bạn có thể sẽ cần phẫu thuật. Một số phương pháp phẫu thuật là:
- Phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành (điều trị nhồi máu cơ tim);
- Phẫu thuật nắn lại xương (điều trị bệnh paget xương);
- Phẫu thuật lối sau (điều trị hẹp ống sống cổ)
- Phẫu thuật mở khớp lấy bỏ tổ chức nhiễm khuẩn;
- .v.v.
– Các phương pháp điều trị khác:
- Thở oxy
- Đặt stent can thiệp mạch vành
- Hút, dẫn lưu khớp
- .v.v.
Kết luận
Đau gáy bên trái hoặc bên phải cổ thường không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Nó thường được gây ra bởi căng cơ, tư thế ngủ xấu hoặc tư thế ngồi làm việc không đúng. Tuy nhiên, nếu cơn đau tiếp tục kéo dài và không thuyên giảm, bạn hãy gặp bác sĩ để được khuyến nghị về các phương pháp điều trị y tế cũng như các biện pháp khắc phục tại nhà.
Để được tư vấn về các bệnh lý xương khớp, bạn có thể gọi tới số 1800.1156 (miễn phí gọi đến).
Bài viết liên quan
Xuân về, Tết đến, Khương Thảo Đan xin gửi tặng quý khách hàng món quà sức khỏe đầy ý nghĩa.
Xuân về, Tết đến, Khương Thảo Đan xin gửi tặng
Mua và tích đủ 12 điểm Khương Thảo Đan Gold hoặc Canxi Khương Thảo Đan nhận ngay quà tặng trị
Mua và tích đủ 12 điểm Khương Thảo Đan Gold
Nhắc tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe xương khớp, chắc hẳn Khương Thảo Đan Gold đã không còn xa
Nhắc tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe xương khớp,
Bộ sản phẩm gồm viên xương khớp Khương Thảo Đan Gold, viên canxi Khương Thảo Đan, dầu nóng Khương Thảo
Bộ sản phẩm gồm viên xương khớp Khương Thảo Đan
Ngày 29/12/2023, trong chương trình Tin Dùng Việt Nam 2023, tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tiến hành khảo
Ngày 29/12/2023, trong chương trình Tin Dùng Việt Nam 2023,